Thuê xe đạp đang dần trở thành lựa chọn phổ biến cho những ai muốn khám phá thành phố, chinh phục địa hình, tập luyện thể dục, hay đơn giản là tận hưởng những chuyến đi ngắn. Đây cũng là một cách tiết kiệm để trải nghiệm thực tế nhiều dòng xe đạp khác nhau. Thông qua việc thuê xe, bạn có thể tích lũy những kiến thức căn bản, làm nền tảng cho việc chọn mua một chiếc xe phù hợp với túi tiền và nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, lựa chọn chiếc xe đạp phù hợp không phải là điều đơn giản, đặc biệt với người chưa có kinh nghiệm. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi quan trọng trước khi thuê xe, từ đó chọn được chiếc xe phù hợp nhất.

Trên thị trường gồm các loại xe đạp nào?

Thị trường xe đạp hiện nay rất đa dạng với nhiều dòng xe khác nhau đáp ứng từng mục đích sử dụng cụ thể. Dưới đây là 7 dòng xe phổ biến mà bạn nên cân nhắc khi thuê, bao gồm:
Xe đạp Touring (Touring bike)
Xe đạp touring là dòng xe dành cho những người yêu thích du lịch đường dài bằng xe đạp, với thiết kế đặc biệt để mang theo nhiều hành lý cả phía trước và phía sau. Khung xe thường được làm từ thép, nhờ vào đặc tính bền bỉ, dễ sửa chữa, vững chắc và khả năng hấp thụ lực tốt từ mặt đường. Dòng xe này dễ bị nhầm lẫn với xe đạp thành phố (city bike), vốn có khung nhôm nhẹ, ít gỉ sét và giá thành phải chăng. Mặc dù có thiết kế khá tương đồng, xe đạp touring lại nổi bật với tính tùy biến cao hơn, đặc biệt là về hình dáng tay lái và kích thước bánh xe, nhằm mang lại sự thoải mái tối đa cho người lái trên những hành trình dài.
Xe đạp đua (Road bike)
Xe đạp đua được thiết kế chuyên dụng cho các bề mặt đường bằng phẳng, giúp người lái đạt được tốc độ cao. Xe có khung nhẹ, thường làm từ nhôm hoặc carbon, cùng với bánh xe mỏng và đường kính lớn. Vỏ xe có kích thước bề ngang nhỏ và mỏng, giúp giảm ma sát và sức cản gió, đồng thời tăng hiệu suất đạp. Cấu trúc sườn xe và các phụ tùng đều được tối ưu hóa để giảm trọng lượng, cho phép người lái duy trì tốc độ trên quãng đường dài. Tuy nhiên, do thiết kế mỏng nhẹ, xe đạp đua không phù hợp với các địa hình gồ ghề hoặc điều kiện đường xấu.
Xe đạp địa hình (Mountain Bike)
Xe đạp địa hình được thiết kế đặc biệt để chinh phục các địa hình gồ ghề như núi đồi, rừng rậm và các con đường đất đá. Khung xe chắc chắn, thường làm từ thép hoặc nhôm, kết hợp với hệ thống giảm xóc giúp hấp thụ các chấn động từ địa hình khó khăn. Xe đạp địa hình có hai loại phổ biến, thứ nhất là loại chỉ có một phuộc trước (hardtail MTB) và loại thứ hai có cả hai phuộc trước sau (full-suspension MTB). Trong đó, hardtail MTB, với khả năng đa dạng địa hình, là dòng xe phổ biến được lựa chọn để trang bị nhiều nhất đối với các đơn vị cho thuê xe đạp hiện nay. Bánh xe lớn cùng với lốp có gai giúp tăng cường độ bám đường, đảm bảo an toàn khi di chuyển trên các cung đường khó. Tuy nhiên, xe đạp địa hình không phải là lựa chọn lý tưởng cho việc di chuyển nhanh trên đường bằng phẳng.
Xe đạp gấp (Folding Bike)
Xe đạp gấp là một trong những lựa chọn thông minh cho người sống tại các đô thị hoặc những ai thường xuyên di chuyển bằng phương tiện công cộng. Đúng như tên gọi, xe đạp gấp có thể được gấp gọn lại thành một kích thước nhỏ, dễ dàng mang theo bên mình hoặc cất giữ trong không gian hạn chế. Khung xe thường được làm từ nhôm nhẹ hoặc thép, giúp việc di chuyển xe khi đã gấp trở nên đơn giản hơn. Xe đạp gấp thích hợp cho những chuyến đi ngắn trong thành phố, đi làm hàng ngày hoặc những chuyến du lịch ngắn ngày. Tuy nhiên, do kích thước bánh xe nhỏ và thiết kế khung gọn nhẹ, xe đạp gấp không phù hợp để di chuyển trên địa hình gồ ghề hoặc thực hiện những chuyến đi dài.
Xe đạp đường phố (City Bike)
Xe đạp đường phố, hay còn gọi là xe đạp tiện ích, được thiết kế để phục vụ cho nhu cầu di chuyển hàng ngày trong thành phố. Với khung xe được thiết kế đơn giản, yên xe thoải mái, và thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả, xe đạp đường phố là lựa chọn lý tưởng cho việc đi làm, đi học, hoặc đi dạo trong thành phố. Xe có thể dễ dàng trang bị thêm giỏ đựng đồ, baga chở hàng, và có thể lắp thêm các phụ kiện như chắn bùn, đèn xe, chuông để tăng cường tiện ích. Khả năng vận hành mượt mà trên các con đường bằng phẳng và khả năng linh hoạt trong không gian hẹp là những ưu điểm nổi bật của xe đạp đường phố. Tuy nhiên, xe không phù hợp để sử dụng trên các địa hình phức tạp hoặc trong các hoạt động đòi hỏi tốc độ cao.
Gravel Bike
Gravel Bike là dòng xe lai giữa ba loại xe phổ biến: Road Bike, Mountain Bike, và Touring Bike. Thiết kế xe tổng hợp những ưu điểm vượt trội của cả ba dòng. Với khung xe có thể được làm từ đa dạng vật liệu như nhôm, thép, titan hoặc carbon, bánh xe có thể tùy chọn nhiều loại đường kính và bề rộng, mật độ gai nhỏ, Gravel Bike vừa đủ nhanh trên đường nhựa như xe đạp đua, vừa có khả năng vượt địa hình gồ ghề như xe địa hình, đồng thời phù hợp cho các chuyến đi dài như xe Touring. Đặc biệt, dòng xe này có tính tùy chỉnh cao về phụ tùng và cách lắp ráp, cho phép người dùng dễ dàng điều chỉnh xe theo nhu cầu địa hình, từ đường bằng phẳng đến các cung đường đồi núi ghồ ghề.
Xe đạp trợ lực điện (E-Bike)
Xe đạp trợ lực điện (E-bike) kết hợp giữa đạp xe truyền thống và hỗ trợ động cơ điện, giúp giảm bớt sức lực khi di chuyển, đặc biệt trên địa hình dốc hoặc quãng đường dài. E-bike hỗ trợ hiệu quả người mới làm quen với xe đạp nhưng muốn chinh phục các chuyến đi xa hoặc địa hình khó. Khi sử dụng xe đạp trợ lực điện, bạn dễ dàng điều chỉnh mức độ trợ lực cho từng cung đường. Dòng xe này có thể tăng tính tiện dụng hơn so với xe đạp thông thường và có thể cân nhắc sử dụng thay cho xe máy.

Loại xe nào đáp ứng được nhu cầu đạp xe của bạn?

Sau khi hiểu rõ về các loại xe đạp trên thị trường, bước tiếp theo là xác định nhu cầu cụ thể của bạn. Bạn thường đạp xe ở đâu? Bạn cần một chiếc xe đạp nhanh hay một chiếc xe có khả năng chịu đựng tốt trên địa hình khó khăn? Nếu bạn chỉ đạp xe trong thành phố, một chiếc xe đạp đường phố hoặc xe đạp gấp có thể là lựa chọn tốt. Tuy nhiên, nếu bạn đam mê tốc độ hoặc thường xuyên tham gia các chuyến đạp xa, hãy cân nhắc thuê một chiếc xe đạp đua hoặc xe đạp địa hình.

Kích cỡ xe phù hợp với bạn?

Kích cỡ xe đạp là yếu tố quan trọng quyết định sự thoải mái và an toàn khi đạp xe. Bất kể dòng xe nào, việc chọn đúng kích thước phù hợp với cơ thể là điều cần thiết, đặc biệt với những người mới làm quen với xe đạp, để tránh các chấn thương không mong muốn như đau lưng, mỏi cơ. Khi thuê xe, khách hàng cần chú ý cung cấp chính xác số đo chiều cao để đảm bảo nhận được chiếc xe phù hợp. Cung cấp xe đúng kích thước cơ thể là trách nhiệm của mọi đơn vị cho thuê, và khách hàng không nên tự ti hay cung cấp sai số đo chiều cao để bảo vệ quyền lợi của mình.

Xe có thông số kỹ thuật như thế nào?

Thông số kỹ thuật của xe đạp là một yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất và trải nghiệm của bạn khi đạp xe. Dưới đây là những thông số quan trọng bạn cần chú ý khi chọn thuê xe đạp:
Hệ thống truyền động (Speed & Shfiter):
Hệ thống truyền động của xe đạp có hai loại chính: đơn tốc và đa tốc.
Xe đơn tốc (single-speed) chỉ có 1 đĩa trước và 1 líp sau, cung cấp một cấp số duy nhất. Bạn không thể thay đổi tỷ số truyền giữa đĩa và líp, và hệ thống này thường phù hợp cho địa hình bằng phẳng.
Ngược lại, xe đa tốc (multi-speed) có từ 1 đến 3 đĩa trước và từ 1 đến 13 líp sau. Tổng số cấp số truyền động của xe được tính bằng cách nhân số đĩa trước với số líp sau. Ví dụ, một xe đạp với 2 đĩa trước và 10 líp sau có tổng cộng 20 cấp số truyền động.
Ngoài ra, còn có một số bộ truyền động sử dụng cơ cấu bánh răng thay đổi tốc độ được thiết kế nằm bên trong đùm sau của xe hoặc khu vực giò đạp, gọi là Internal Speed Hub hoặc Gear Box. Tuy nhiên, các hệ thống này ít được sử dụng phổ biến do giá thành cao và hiệu suất không bằng bộ truyền động xích líp, nhưng vẫn có chức năng tương tự trong việc thay đổi tỉ số truyền khi đạp xe.
Hệ thống phanh (Brakes):
Có hai loại phanh chính: phanh vành (rim brakes) và phanh đĩa (disc brakes). Phanh đĩa an toàn hơn trong điều kiện ẩm ướt hoặc địa hình khó, còn phanh vành nhẹ và phù hợp cho địa hình bằng phẳng.
Hệ thống giảm xóc (Suspension):
Đây là bộ phận giúp hấp thụ các chấn động từ mặt đường, mang lại sự thoải mái khi đạp xe:
Giảm xóc trước (Front Suspension):
Loại này chỉ có giảm xóc ở bánh trước, giúp hấp thụ các chấn động khi đi qua các ổ gà hoặc địa hình không bằng phẳng. Xe có giảm xóc trước thường được sử dụng cho các địa hình nhẹ như đường mòn hoặc đồi nhỏ, mang lại sự thoải mái mà không làm tăng quá nhiều trọng lượng của xe.
Giảm xóc toàn bộ (Full Suspension):
Xe đạp giảm xóc toàn bộ có cả giảm xóc trước và sau phần lớn là xe Moutain Bike cho địa hình nặng, ghồ ghề. Dòng xe này thường ít được cho thuê hơn do chi phí đầu từ cao và nhu cầu sử dụng từ khách hàng không nhiều.
Ngoài ra, thị trường vẫn có xe đạp không có giảm xóc (Rigid) có khung xe cứng, phù hợp cho địa hình bằng phẳng hoặc đường phố. Xe này thường nhẹ hơn và truyền lực đạp tốt hơn, nhưng sẽ ít thoải mái hơn trên các địa hình gồ ghề.
Chất liệu khung xe (Frame Material):
Khung xe đạp thường được làm từ các chất liệu như nhôm, carbon, thép và titan, mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng. Khung nhôm là phổ biến nhất, thường được đầu tư làm xe đạp cho thuê vì nó nhẹ, bền và ít bị gỉ sét. Carbon nhẹ hơn nhưng giá cao và khó sửa chữa khi hư hỏng. Khung thép tuy nặng và dễ gỉ sét, nhưng bù lại nó dễ sửa và hấp thụ lực tốt, giúp giảm rung chấn khi đạp xe. Titan là chất liệu ít gặp nhất, kết hợp tốt các ưu điểm của thép, nhôm và carbon, nhưng hiếm người sử dụng. Giá khởi điểm thường đắt và titan cũng khó gia công.
Ba kích thước bánh xe phổ biến cho xe đạp người lớn là 26 inch, 27.5 inch và 29 inch. Mỗi loại có những ưu nhược điểm riêng:
Bánh 26 inch: Thích hợp để leo dốc hoặc chở theo nhiều hành lý, vì bánh 26 inch đòi hỏi lực đạp để bắt đầu nhẹ hơn và tạo ra tốc độ thấp hơn so với bánh 29 inch trên cùng tỷ số truyền động.
Bánh 29 inch: Phù hợp cho những ai muốn đạt tốc độ cao và vượt địa hình tốt, nhưng xe sử dụng bánh 29" đòi hỏi người sử dụng có chiều cao tốt hơn so với bánh 26" vì làm tổng thể xe cao hơn.
Bánh 27.5 inch: Hội tụ các ưu nhược điểm của bánh 26 inch và 29 inch, nhưng không thể tối ưu hóa hoàn toàn các lợi thế đặc trưng của từng loại bánh.
Loại lốp xe (Tire Type):
Lốp trơn với bề rộng nhỏ thích hợp cho những ai muốn đạp xe với tốc độ cao trên các tuyến đường bằng phẳng, nhờ vào khả năng giảm lực cản và tăng tốc nhanh chóng. Ngược lại, lốp có gai với bề rộng lớn lại phù hợp cho những chuyến đi trên địa hình gồ ghề, không bằng phẳng, vì chúng mang lại độ bám đường tốt hơn, giúp xe di chuyển ổn định và an toàn hơn khi gặp phải các chướng ngại vật hoặc mặt đường không đều.

Bạn cần trang bị thêm phụ kiện gì khi thuê xe đạp?

Khi thuê xe đạp, nón bảo hiểm là phụ kiện bắt buộc mà hầu hết các cửa hàng đều cung cấp hoặc cho thuê kèm theo xe. Để đảm bảo an toàn, bạn cần yêu cầu nón bảo hiểm ngay khi thuê. Ngoài ra, bạn có thể mang theo hoặc thuê thêm các phụ kiện như găng tay, đèn xe, khóa xe, và bình nước tại cửa hàng. Đặc biệt, đèn xe rất quan trọng nếu bạn dự định đạp vào ban đêm hoặc trên những đoạn đường thiếu ánh sáng.

Thời gian thuê một chiếc xe đạp là bao lâu?

Thời gian thuê xe đạp phụ thuộc vào kế hoạch và nhu cầu sử dụng của bạn. Nếu bạn chỉ cần xe đạp cho một buổi sáng hay một ngày, hãy chọn gói thuê theo giờ hoặc theo ngày để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định sử dụng xe đạp trong nhiều ngày hoặc thậm chí vài tuần, hãy xem xét các gói thuê dài hạn để có mức giá ưu đãi hơn. Đừng quên hỏi cửa hàng về chính sách bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật trong thời gian thuê xe.

Giá thuê xe đạp hiện nay là bao nhiêu?

Thuê từ 50.000 VNĐ mỗi ngày, xe đạp gấp từ 100.000 VNĐ mỗi ngày, và xe đạp đua hoặc địa hình từ 150.000 VNĐ mỗi ngày. Xe đạp trợ lực điện thường có giá thuê từ 200.000 VNĐ mỗi ngày. Những dòng xe như xe đua, xe địa hình hoặc xe trợ lực điện thường đi kèm với các phụ kiện như ruột xe và dây sạc cho hệ thống trợ lực. Giá thuê có thể thay đổi theo cửa hàng và khu vực, vì vậy giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, bạn cần tìm hiểu kỹ khi quyết định thuê xe.

Nên thuê xe đạp ở đâu để đảm bảo chất lượng?

Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc xe đạp phù hợp tại cửa hàng cho thuê xe uy tín, Gooride là lựa chọn phù hợp nhất. Gooride là nền tảng dành riêng cho cộng đồng đạp xe tại Việt Nam, giúp bạn dễ dàng tìm kiếm các cửa hàng cho thuê xe đạp gần vị trí của bạn nhất. Các cửa hàng hợp tác với Gooride đều được lựa chọn kỹ càng, đảm bảo cung cấp xe chất lượng và đa dạng loại xe phù hợp với nhiều loại địa hình.
Gooride không chỉ là một nền tảng dành cho cộng đồng xe đạp
tại Việt Nam, mà còn là người bạn đồng hành hoàn hảo cho những tín đồ yêu đạp xe. Gooride giúp bạn dễ dàng tìm kiếm và thuê xe phù hợp, đồng thời cung cấp các công cụ hữu ích như đo quãng đường, tốc độ, lượng CO2 tiết kiệm. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết
Hướng dẫn đạp xe căn bản cho người mới bắt đầu
của Gooride để gia tăng trải nghiệm đạp xe của mình